==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==
(tiếng Ả Rập: دبيّ Dubayy, phát âm tiếng Việt: Đu-bai) là một thành phố và đồng thời là một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nằm ở phía Nam của vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập. Trong cả nước, Dubai là tiểu vương quốc có dân số đông nhất và diện tích lớn đứng nhì sau Abu Dhabi. là hai tiểu vương quốc duy nhất có quyền phủ quyết những vấn đề chủ chốt mang tầm quan trọng quốc gia trong cơ quan lập pháp của đất nước.
12 điểm tham quan nổi tiếng Dubai - Khám phá sự tráng lệ và tuyệt đẹpMột vài thông tin trước khi đi du lịch đến Dubai
Trong những năm 1820, lịch sử Anh quốc đề cập đến Dubai với tên gọi Al WASL. Do thói quen truyền miệng của người dân, chỉ có vài ghi chép liên quan đến lịch sử văn hóa của UAE hoặc tiểu vương quốc thành phần của nó còn tồn tại. Văn học dân gian và thần thoại cũng không được ghi chép lại. Du lịch Dubai - Có nhiều tranh chấp về nguồn gốc tên gọi Dubai, một số người tin rằng nó có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư, trong khi một số người tin rằng tiếng Ả Rập mới là nguồn gốc chính. Theo Fedel Handhal, một nhà nghiên cứu về lĩnh vực lịch sử và văn hóa của UAE, tên gọi Dubai có thể có nguồn gốc từ từ Daba (một từ bắt nguồn từ từ Yadub, có nghĩa là trườn), liên quan đến những dòng chảy chậm của con sông ở vùng đất Dubai. Nhà thơ kiêm học giả Mohammad Ahmad Obaid chỉ ra rằng Daba có nghĩa khác là châu chấu. Rất ít bằng chứng có thể được tìm thấy về nguồn gốc của Dubai trừ tài liệu tham khảo trong các câu chuyện kể của người cao tuổi ở Dubai.
Pháo đài Al Fahidi, xây dựng năm 1799, là công trình cổ xưa nhất ở Dubai - hiện nay là một phần trong bảo tàng Dubai
Khu Al Ras ở Deira
Mặc dù công cụ bằng đá đã được tìm thấy ở nhiều nơi nhưng vẫn có rất ít thông tin về sự định cư đầu tiên của UAE do chỉ tìm được một vài nơi định cư. Nhiều thị trấn cổ xưa trong khu vực đã từng là trung tâm thương mại giữa hai thế giới phương Đông và phương Tây. Những tàn tích của một vùng đầm lầy ngập mặn cổ, tồn tại cách đây khoảng 7.000 năm trước Công nguyên, đã được phát hiện trong khi xây dựng đường ống thoát nước gần Thành phố Internet Dubai. Vào khoảng 5.000 năm trước, khi quá trình biển rút khỏi đất liền diễn ra, khu vực này bao phủ toàn cát và đã trở thành một phần bờ biển hiện nay của thành phố. Đồ gốm tiền Hồi giáo đã được tìm thấy từ thế kỷ thứ ba và thứ tư. Trước Hồi giáo, người dân trong khu vực này thờ thần Bajir (còn gọi là Bajar). Đế quốc Byzantine và Sassanian (Ba Tư) là hai đế chế quyền lực lớn của thời kỳ này, do người Sassanian nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Sau khi Hồi giáo lan truyền khắp khu vực, chính quyền Hồi giáo Umayyad từ thế giới Hồi giáo phương Đông tiến hành xâm chiếm Đông Nam Ả Rập, sau đó đến Sassanian. Bảo tàng Dubai đã tiến hành các cuộc khai quật trong khu vực Al-Jumayra (ở Jumeirah) và tìm thấy một số đồ tạo tác từ thời Umayyad.
Tài liệu cổ nhất có đề cập đến của Dubai là vào năm 1095, trong quyển "Sách địa lý" của Abu Abdullah al-Bakri, một nhà lịch sử địa lý Andalucia-Ả Rập. Năm 1580, Gaspero Balbi, một thương gia ngọc trai từ Venice (ở Ý), đã đến thăm khu vực này và đề cập đến Dubai (với tên gọi Dibei) về nghề săn ngọc trai ở đây. Từ năm 1799, đã có ghi nhận về sự tồn tại của thị trấn Dubai. Đầu thế kỷ thứ 19, bộ tộc Abu Al Falasa (dòng Al-Falasi) của bộ lạc Bani Yas thành lập Dubai. Vùng đất này vẫn nằm dưới sự phụ thuộc Abu Dhabi cho đến năm 1833. Ngày 8 tháng 1 năm 1820, tù trưởng của Dubai và các tù trưởng khác trong khu vực đã ký "Hiệp ước hòa bình toàn vùng biển" với chính phủ Anh. Năm 1833, do thù hận với bộ tộc, triều đại Al Maktoum (cũng là hậu duệ dòng Al-Falasi) thuộc bộ tộc Bani Yas đã rời bỏ ốc đảo Liwa, quê hương tổ tiên nằm ở phía Tây Nam Abu Dhabi của họ, và nhanh chóng chiếm được Dubai từ bộ tộc Abu Fasala mà không gặp sự kháng cự nào.
Năm 1892, Dubai chịu sự bảo hộ của Anh Quốc thông qua "Hiệp định độc quyền", trong đó, Vương quốc Anh đồng ý bảo hộ Dubai chống lại đế quốc Ottoman. Trong những năm 1800, hai thảm họa đã giáng xuống phố. Đầu tiên là vào năm 1841, dịch bệnh đậu mùa bùng phát ở các địa phương Bur Dubai, buộc người dân phải di dời về phía đông tới Deira. Sau đó, vào năm 1894, một trận hỏa hoạn đã quét qua Deira, đốt cháy trụi gần như toàn bộ nhà cửa. Tuy nhiên, vị trí địa lý của thành phố tiếp tục lôi kéo các thương gia từ khắp nơi trong khu vực. Hoàng thân Dubai rất quan tâm thu hút các thương nhân nước ngoài qua việc giảm khung thuế thương mại, điều này khiến cho Dubai có lượng thương nhân tập trung nhiều hơn hai trung tâm thương mại chính của khu vực vào thời điểm đó là Sharjah và Bandar Lengeh.
Do khoảng cách địa lý gần Iran, Dubai đã trở thành một vị trí thương mại chủ yếu. Phố Dubai là một hải cảng quan trọng thu hút các thương gia nước ngoài ghé qua, phần lớn từ Iran. Nhiều thương gia sau đó đã định cư tại nơi này. Vào đầu thế kỷ 20, phố Dubai trở thành cảng chủ chốt. Dubai vốn nổi tiếng với ngành xuất khẩu ngọc trai cho đến những năm 1930, việc buôn bán ngọc trai đã bị phá hủy hoàn toàn do thế chiến tứ nhất, và sau đó là do cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Cùng với sự sụp đổ của ngành công nghiệp ngọc trai, Dubai rơi vào sự suy thoái trầm trọng và nhiều người dân bị chết đói hoặc phải di cư sang những nơi khác ở vùng vịnh Ba Tư.
Trong những ngày đầu kể từ khi thành lập, Dubai đã liên tục xung đột với Abu Dhabi. Năm 1947 xảy ra cuộc tranh chấp biên giới chung phía Bắc giữa Dubai và Abu Dhabi. Cuộc tranh chấp này sau đó đã leo thang thành chiến tranh. Người Anh đã phân xử việc này bằng việc lập một đường biên giới vùng đệm chạy dọc theo hướng Đông Nam từ bờ biển Ras Hasian. Kết quả là đã tạm dừng được chiến sự. Trong những năm 1950, khi người Anh đã chuyển những cơ quan hành chính địa phương của họ từ Sharjah sang, các dịch vụ điện thoại lần lượt có mặt tại Dubai cùng một sân bay. Do nước láng giềng Abu Dhabi tìm thấy những mỏ dầu lớn, Dubai đã tiến hành thăm dò trong nhiều năm, cuối cùng năm 1971 đã phát hiện ra dầu ở Dubai, mặc dù với số lượng nhỏ hơn rất nhiều. Sau đó thị trấn được trợ cấp nhượng đất cho các công ty dầu quốc tế. Việc phát hiện dầu đã dẫn đến một làn sóng lớn người lao động nước ngoài du nhập vào đây, chủ yếu là người Ấn Độ và Pakistan. Từ năm 1968 đến năm 1975, dân số của thành phố đã tăng hơn 300%.
Năm 1971, Vương quốc Anh rút khỏi vịnh Ba Tư và sự bảo hộ đã thiết lập ở đây. Ngày 2 tháng 12 năm 1971, Dubai cùng với Abu Dhabi và năm tiểu vương quốc khác thành lập UAE. Năm 1973, Dubai tham gia với các tiểu vương quốc khác trong việc áp dụng đồng tiền thống nhất là đồng UAE dirham. Trong những năm 1970, Dubai tiếp tục phát triển dựa trên nguồn thu thu nhập từ dầu mỏ và thương mại, ngay cả khi thành phố trải qua một cuộc nhập cư rầm rộ từ dòng người chạy trốn cuộc nội chiến Liban ở Liban. Cuộc tranh chấp biên giới giữa các tiểu vương quốc vẫn tiếp tục ngay cả sau khi UAE thành lập. Mãi đến 1979, một thỏa hiệp chính thức đã chấm dứt được tình trạng chiến tranh này. Năm 1979, cảng Jebel Ali được thành lập. Năm 1985, Jafza (sau này là khu tự do Jebel Ali) được xây dựng xung quanh khu cảng, cho phép các công ty nước ngoài xuất khẩu vốn và nhập khẩu lao đông không hạn chế.
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 có ảnh hưởng lớn đến thành phố. Do điều kiện chính trị không chắc chắn trong khu vực, nhiều khách hàng đã rút một lượng vốn lớn từ các ngân hàng ở Dubai. Sau này, trong thập niên 1990, đã có nhiều nhóm kinh doanh thuyên chuyển doanh nghiệp của họ đến Dubai. Đầu tiên là nhóm từ Kuwait, trong chiến tranh vùng Vịnh, và sau đó từ Bahrain, trong cuộc biến loạn Hồi giáo Shia. Dubai cung cấp các căn cứ tiếp nhiên liệu cho liên quân tại khu tự do Jebel Ali trong chiến tranh vùng Vịnh, và một lần nữa trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Sự gia tăng mạnh giá dầu sau chiến tranh vùng Vịnh khiến Dubai đẩy mạnh tập trung vào thương mại tự do và du lịch.
Bản đồ thành phố Dubai.
Trung tâm Sharjah - du lịch Dubai về đêm.
Dubai nằm trên bờ biển Vịnh Ba Tư của UAE và gần mực nước biển (độ cao 16 m so vơi mực nước biển). Tiểu vương quốc Dubai giáp ranh biên giới với Abu Dhabi ở phía Nam, Đông Bắc giáp Sharjah và Đông Nam giáp Vương quốc Hồi giáo Oman. Hatta, một phần nhỏ tách ra từ Dubai, được bao bọc ba phía bởi Oman và tiểu vương quốc Ajman (ở phía Tây) và Ras Al Khaimah (ở phía bắc). Vùng Vịnh Ba Tư giáp bờ biển phía Tây của Dubai. Dubai nằm ở 25°16′11″B 55°18′34″Đ và có diện tích 4.114 km², là kết quả của sự mở rộng đáng kể từ 3.900 km2 ban đầu do quá trình cải tạo đất từ biển.
Dubai nằm ngay trong sa mạc Ả Rập. Tuy nhiên, địa hình của Dubai đặc biệt khác với các khu vực phía nam của UAE do cảnh quan của Dubai nổi bật với loại hình sa mạc cát, trong khi phía Nam của Dubai thì chủ yếu là sa mạc sỏi đá. Cát chứa nhiều san hô và vỏ nghiền nát rất đẹp, sạch và trắng. Phía Đông thành phố, những cánh đồng muối ven biển, được gọi là sabkha, đã được thay thế bằng những cồn cát chạy dài theo hướng Bắc-Nam. Xa hơn về phía Đông, các cồn cát lan rộng hơn và nhuốm màu đỏ của sắt oxit.[19]
Các sa mạc cát phẳng hướng về phía núi Tây Hajar, chạy dọc theo biên giới của Dubai với Oman ở Hatta. Dãy Tây Hajar có cảnh quan khô cằn, lởm chởm và đứt quãng, ở một số nơi có dãy núi tăng lên đến khoảng 1.300 m. Dubai không có hệ thống sông tự nhiên hay ốc đảo, tuy nhiên, có một cái lạch tự nhiên gọi là Dubai Creek, đã được nạo vét để tạo đủ độ sâu cho tàu lớn đi qua. Dubai cũng có nhiều hẻm núi và hố lõm đánh dấu sự hiện diện của núi Tây Al Hajar. Một vùng biển rộng lớn tạo bởi những cồn cát phủ lên phần lớn lãnh thổ miền nam Dubai, dẫn thẳng đến sa mạc The Empty Quarter. Dubai đang ở trong một khu vực rất ổn định, đường nứt địa chấn gần nhất là Zagros cách 200 km (124,27 dặm) từ UAE và dường như không gây tác động địa chấn nào cho Dubai.[20] Các chuyên gia cũng dự đoán rằng khả năng sóng thần xảy ra trong khu vực này là cực kì thấp vì nước ở vùng Vịnh Ba Tư không đủ sâu để tạo nên một đợt sóng thần.[20]
Các sa mạc cát bao quanh thành phố mọc lên các loại cỏ hoang và cây chà là. Lục bình sa mạc phát triển trong vùng đồng bằng sabkha phía Đông thành phố, còn cây keo và cây ghaf phát triển ở vùng đồng bằng gần núi Tây Al Hajar. Một số cây bản địa như chà là và neem, cây nhập khẩu như bạch đàn phát triển trong các khu tự nhiên của Dubai. Loài chim ô tác houbaraa, linh cẩu vằn, giống mèo rừng Bắc Phi, cáo sa mạc, chim ưng và linh dương sừng kiếm Ả Rập có nhiều trong sa mạc ở Dubai. Dubai nằm trên đường di cư giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. Vào mùa xuân và mùa thu, có hơn 320 loài chim di cư đi qua Dubai. Các vùng biển của Dubai là ngôi nhà của hơn 300 loài cá, bao gồm cá mú. Tuy nhiên, do bị đánh bắt quá mức vì giá trì dinh dưỡng cao, cá mú đang có nguy cơ biến mất ở Dubai.[21] Các sinh vật biển điển hình ngoài khơi bờ biển Dubai bao gồm cá nhiệt đới, sứa, san hô, cá nược, cá heo, cá voi và cá mập. Các loại rùa cũng có thể tìm thấy trong khu vực, bao gồm đồi mồi (rùa biển) và rùa xanh - được liệt vào danh sách các loài đang có nguy cơ bị đe dọa.
Con lạch Dubai
Dubai Creek chạy phía Đông Bắc-Tây Nam qua thành phố. Phần phía đông của thành phố là các vùng trên địa bàn Deira. Hai bên thành phố là tiểu vương quốc Sharjah ở phía Đông và trị trấn Al Aweer ở phía Nam. Sân bay quốc tế Dubai nằm ở phía Nam Deira, trong khi quần đảo nhân tạo Palm Deira nằm ở phía bắc của Deira ở Vịnh Ba Tư. Phần lớn sự bùng nổ bất động sản của Dubai tập trung về phía tây của lạch Dubai, trên vành đai ven biển Jumeirah. Cảng Rashid, thị trấn cảng Jebel Ali, khách sạn Burj Al Arab, quần đảo nhân tạo Jumeirah Palm và cá khu tự do như Business Bay đều nằm trong vùng này.
Khi Hậu Dubai
Dubai có khí hậu rất khô cằn nóng bức. Mùa hè ở Dubai cực kì nóng, gió nhiều và khô, nhiệt độ trung bình mùa hè ban ngày khoảng 40 °C và ban đêm giảm còn khoảng 30 °C. Hầu hết các ngày có nắng quanh năm. Mùa đông lạnh và ngắn với nhiệt độ ban ngày trung bình 24 °C và ban đêm khoảng giảm còn khoảng 14 °C. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua lượng mưa đã gia tăng. Lượng mưa tích lũy đạt hàng năm đo được vào khoảng 88 mm.[24]
Xe cảnh sát ở Dubai
Chính phủ Dubai hoạt động trong khuôn khổ chế độ quân chủ lập hiến, do gia tộc Al Maktoum trị vì từ năm 1833. Tiểu vương hiện tại là Mohammed bin Rashid Al Maktoum, đồng thời phó tổng thống và thủ tướng của UAE, ngoài ra ông còn là thành viên của Hội đồng cấp cao liên bang (SCU). Dubai bổ nhiệm tám thành viên vào hai nhiệm kỳ của Hội đồng Liên bang quốc gia (FNC) của UAE, cơ quan lập pháp tối cao của liên bang.
Khu tự quản Dubai được thành lập năm 1954 bởi vị tiểu vương cũ của Dubai là Rashid bin Saeed Al Maktoum bởi những mục đích như: quy hoạch thành phố, các dịch vụ dân sự và bảo trì cơ sở địa phương.[26] Khu tự quản Dubai do Hamdan bin Rashid Al Maktoum cai trị, ông đồng thời là quyền đại biểu của Dubai và giữ chức vụ trong một số cơ quan khác như Cục Đường bộ, Sở Kế hoạch và Điều tra, Sở Y tế và Môi trường, Sở Nội vụ tài chính. Trong năm 2001, thành phố Dubai đã bắt tay vào dự án Chính phủ điện tử với mục đích cung cấp 40 trong số các dịch vụ ở Dubai thông qua trang web cổng thông tin Dubai dubai.ae. Mười ba dịch vụ trong số đó đã được đưa ra giới thiệu vào tháng mười năm 2001, trong khi một số dịch vụ khác dự kiến sẽ hoạt động trong tương lai.[27] Khu tự quản Dubai cũng phụ trách cơ sở hạ tầng thoát nước và vệ sinh của thành phố.[28]
Lực lượng cảnh sát Dubai, thành lập năm 1956 tại địa phương Naif, có thẩm quyền thực thi pháp luật trên toàn tiểu vương quốc; lực lượng này do Mohammed bin Rashid al Maktoum, quốc vương Dubai, trực tiếp chỉ huy.
Dubai và Ras al Khaimah là hai tiểu vương quốc duy nhất không theo hệ thống tư pháp liên bang của UAE.[29] Các tòa án tư pháp của Dubai gồm toà sơ thẩm, tòa phúc thẩm, và tòa thượng thẩm. Toà án sơ thẩm bao gồm tòa án dân sự, giải quyết cả các khiếu nại dân sự. Tòa án hình sự giải quyết các khiếu nại từ cảnh sát. Tòa án Sharia chịu trách nhiệm về các vấn đề giữa người Hồi giáo. Những người không phải Hồi giáo không được phép vào tòa án Sharia. Tòa thượng thẩm là tòa án tối cao của tiểu vương quốc, chỉ giải quyết tranh chấp về những vấn đề liên quan đến luật pháp.[30]
Dubai có khoảng 250.000 lao động, chủ yếu đến từ Nam Á và làm việc trong các dự án phát triển bất động sản như Dubai Marina.
Điều 25 của Hiến pháp UAE quy định về đối xử công bằng với con người bất kể chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay địa vị xã hội. Tuy nhiên, phần lớn trong số 250.000 lao động nước ngoài ở Dubai sống trong điều kiện được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đánh giá là "thiếu nhân tính".[31][32][33] Đài phát thanh nhân dân quốc gia (NPR) tường thuật rằng lao động "thường sống đến tám người trong một căn phòng, gửi về quê nhà một phần tiền lương của họ cho gia đình, những người thân mà họ không nhìn thấy trong nhiều năm liền. " Ngày 21 tháng 3 năm 2006, công nhân tại các công trường xây dựng ở Burj Khalifa, bất mãn với sự điều chỉnh thời gian xe bus và điều kiện làm việc, đã nổi loạn bằng cách phá hoại xe hơi, văn phòng, máy tính, và các thiết bị xây dựng khác.[34][35][36][37] Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến cho tầng lớp lao động ở Dubai chịu những tổn thất trầm trọng, nhiều người lao động không những không được trả lương mà còn không đủ tiền rời khỏi đất nước này.
Những bất công lao động diễn ra ở Dubai đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức nhân quyền. Các tổ chức này đã cố gắng thuyết phục chính phủ ký kết hai điều trong Công ước tám điều của
Tổ chức Lao động quốc tế, cho phép thành lập các công đoàn lao động. Tuy nhiên, chính phủ Dubai đã bác bỏ bất cứ loại hình bất công lao động nào và khẳng định rằng lời cáo buộc của các cơ quan giám sát là sai lầm.[40] Đến cuối tháng 3 năm 2006, chính phủ công bố các bước để cho phép các công đoàn xây dựng thành lập. Bộ trưởng lao động UAE Ali al-Kaabi tuyên bố: "Người lao động sẽ được phép thành lập công đoàn. "[41]
Mặc dù bị cho là bất hợp pháp, nhưng do nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch và thương mại, dễ thấy được rằng mại dâm là tệ nạn đang hiện diện trong tiểu vương quốc này. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Hoa Kỳ (AMCIPS) tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng đa số gái mại dâm là phụ nữ Nga và Ethiopia, cũng như các phụ nữ từ một số nước châu Phi, trong khi gái mại dâm Ấn Độ là một phần của mạng lưới mại dâm xuyên đại dương được tổ chức chặt chẽ.[42] Năm 2007, một phim tài liệu của Cục phát thanh truyền hình công cộng PBS (của Mỹ) mang tựa đề: Dubai: những bí mật về đêm tường thuật rằng tệ nạn mại dâm ở các câu lạc bộ được sự chấp nhận của các chính quyền và phụ nữ nước ngoài làm việc ở đó mà không hề bị ép buộc.[42]
[43]
Năm | Dân số |
18221 | 1.200[44] |
19001 | 10.000[45] |
19301 | 20.000[46] |
19401 | 38.000[44] |
19541 | 20.000[44] |
19601 | 40.000[47] |
1968 | 58.971[48] |
1975 | 183.000[49] |
1985 | 370.800[50] |
1995 | 674.000[50] |
2005 | 1.204.000 |
1 Các thị trấn của Dubai tiến hành lần điều tra dân số đầu tiên vào năm 1968. Tất cả số liệu dân số trong bảng này trước năm 1968 là số liệu thu được từ những nguồn khác nhau. |
Theo điều tra do Trung tâm Thống kê của Dubai tiến hành, năm 2009 dân số của tiểu vương quốc là 1.771.000 người, trong đó có 1.370.000 nam và 401.000 nữ.[51] Khu vực này có diện tích 1.287,4 km². Mật độ dân số là 408,18/km² - hơn tám lần của UAE. Dubai là thành phố đắt đỏ thứ hai trong khu vực, và thành phố đắt đỏ thứ 20 trên thế giới.[52]
Vào năm 2005, 17% dân số của tiểu vương quốc là công dân UAE. Khoảng 85% dân nhập cư (cũng là 71% tổng dân số của Dubai) đến từ châu Á, chủ yếu là Ấn Độ (51%), Pakistan (16%), Bangladesh (9%) và Philippin (3%). Khoảng 3% dân số đến từ phương Tây.[53][4] Tuy nhiên, một điều tra khác cho biết phần lớn dân số Dubai có nguồn gốc từ Iran.[54] Ngoài ra, 16% dân số (khoảng 288.000 người) sống trong các khu nhà tập thể lao động không xác định được dân tộc, quốc tịch, nhưng được cho là chủ yếu đến từ châu Á.[55] Dubai có dân số trẻ, tuổi thọ trung bình là khoảng 27 năm. Tỷ suất sinh thô (CBR) năm 2005 là 13,6%, trong khi tỷ suất tử vong thô (CDR) khoảng 1%.[56] Mặc dù tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung của thành phố và được cư dân nói rộng rãi. Tiếng Urdu, tiếng Ba Tư, tiếng Hindi, tiếng Telugu, tiếng Bengali, tiếng Tamil, tiếng Tagalog, tiếng Trung Quốc, tiếng Mã Lai và các ngôn ngữ khác đều được nói ở Dubai do nguồn cư dân nước ngoài đa dạng ở đây.[57]
Điều 7 của Hiến pháp lâm thời UAE tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo chính thức của UAE. Chính phủ trợ giá cho hầu hết 95% nhà thờ Hồi giáo và thuê tất cả thầy tế của đạo Hồi; khoảng 5% nhà thờ Hồi giáo hoàn toàn của tư nhân, và một số nhà thờ Hồi giáo lớn có số tiền quyên góp tư nhân lớn.[58]
Dubai cũng có một lượng lớn tín đồ Kitô giáo, đạo Hindu, Bahá'í, Sikh, Phật giáo và các cộng đồng tôn giáo khác định cư tại thành phố.[59] Những tổ chức không phải Hồi giáo có thể lập nơi thờ phụng riêng của họ, nơi họ có thể tự do thực thi tôn giáo của mình, bằng cách yêu cầu một khoản trợ cấp đất và giấy phép xây dựng khu đất. Những nhóm tôn giáo không có cứ điểm riêng phải sử dụng các cơ sở của các tổ chức tôn giáo khác hoặc thờ cúng tại nhà riêng.[60] Những tổ chức không phải Hồi giáo được phép công khai quảng bá hoạt động của mình, tuy nhiên, việc cải đạo hoặc phân phối các tài liệu tôn giáo đều bị nghiêm cấm, có thể bị truy tố hình sự, phạt tù và trục xuất vì tham gia vào những hành vi xúc phạm đến Hồi giáo.[58]
Siêu dự án quần đảo cây cọ Jumeirah ở Dubai trị giá 14 tỷ USD.
Năm 2008, tổng sản phẩm quốc dân của Dubai là 82,11 tỉ USD.[62] Trong khi 85% nền kinh tế và 77% thu ngân sách của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phải dựa vào dầu mỏ và khí đốt, tỷ lệ này ở Dubai thấp hơn đáng kể do lợi thế của nó là một đô thị chuyên về thương mại, tài chính được xây dựng từ việc huy động nguồn vốn của cả 6 tiểu vương quốc khác trong liên minh Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Dubai được dự định trở thành trung tâm tài chính, cảng biển của cả 7 vương quốc). Mặc dù nền kinh tế của Dubai đã được xây dựng trên lưng của ngành công nghiệp dầu khí,[63] doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm ít hơn 7% doanh thu của toàn tiểu vương quốc.[8]
Ước tính rằng Dubai sản xuất ra 50.000 đến 70.000 thùng (11.000 m3) dầu mỗi ngày[64] và một lượng lớn khí đốt từ các mỏ ngoài khơi. Dubai đóng góp do doanh thu khí đốt của UAE khoảng 2%. Trữ lượng dầu mỏ của Dubai đã giảm đi đáng kể và dự kiến sẽ bị cạn kiệt trong vòng 20 năm.[65] Bất động sản và xây dựng (22,6%),[10] thương mại (16%), trung chuyển (15%) và dịch vụ tài chính (11%) đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế của Dubai.[66] Các đối tượng xuất khẩu hàng đầu của Dubai gồm Ấn Độ (5,8 tỷ USD), Thụy Sĩ (2,37 tỷ USD) và Ả Rập Saudi (0,57 tỷ USD). Các đối tượng tái xuất khẩu hàng đầu của Dubai gồm Ấn Độ (6,53 tỷ USD), Iran (5,8 tỷ USD) và Iraq (2,8 tỷ USD). Các đối tượng nhập khẩu hàng đầu của Dubai là Ấn Độ (12.55 tỷ USD), Trung Quốc (11,52 tỷ USD) và Hoa Kỳ (7,57 tỷ USD). Tính đến năm 2009 thì Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Dubai.[67]
Trong lịch sử, Dubai và thành phố sinh đôi nằm bên kia qua con lạch Dubai Creek - thành phố Deira (độc lập với thành phố Dubai vào thời điểm đó) - là những cảng quan trọng mà các nhà sản xuất phương Tây thường ghé thăm. Hầu hết các ngân hàng và các trung tâm tài chính của thành phố mới đặt trụ sở chính tại khu vực cảng. Dubai duy trì tầm quan trọng của nó với vai trò là một tuyến đường thương mại từ năm 1970 đến 1980. Dubai có một khu thương mại vàng tự do và cho đến những năm 1990 là trung tâm của một "khu buôn lậu sầm uất"[68] vàng nén cho Ấn Độ, nơi hạn vàng bị hạn chế nhập khẩu. Cảng Jebel Ali ở Dubai, được xây dựng vào những năm 1970, là cảng nhân tạo lớn nhất thế giới và được xếp hạng thứ bảy trên thế giới về khối lượng giao thông vận tải mà nó hỗ trợ.[69] Dubai cũng là một trung tâm của các ngành công nghiệp dịch vụ như công nghệ thông tin và tài chính, với các khu miễn thuế đặc quyền kinh tế ở khắp thành phố. Thành phố Internet Dubai, kết hợp với Thành phố Truyền thông Dubai là một phần của TECOM (Cục miễn thuế truyền thông, thương mại điện tử và công nghệ Dubai), là một trong những vùng mà các thành viên trong đó bao gồm các tập đoàn công nghệ thông tin như tập đoàn EMC, tập đoàn Oracle, Microsoft, và IBM và các tổ chức truyền thông như MBC, CNN, BBC, Reuters, Sky News và AP.
Các chính sách của chính phủ nhằm đa dạng hóa một nền kinh tế dựa vào dầu khí và thương mại trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên dịch vụ và du lịch, theo hướng làm tăng giá trị bất động sản, kết quả đạt được là giá trị bất động sản tăng trong khoảng từ năm 2004 đến 2006. Tuy nhiên, một đánh giá dài hạn về tình hình thị trường bất động sản ở Dubai cho thấy sự mất giá, một số tài sản bị mất đến 64% giá trị của nó từ năm 2001 đến tháng 11 năm 2008.[70] Các dự án phát triển bất động sản với quy mô lớn đã dẫn đến việc xây dựng những công trình cao nhất và các dự án lớn nhất thế giới như: những tòa tháp UAE, tháp Burj Khalifa, quần đảo cây cọ và Burj Al Arab - khách sạn cao nhì và xa hoa nhất thế giới.[71] Thị trường tài chính Dubai (DFM) được thành lập vào tháng 3 năm 2000 đóng vai trò là một thị trường thứ cấp về kinh doanh chứng khoán và trái phiếu, cả trong lẫn ngoài nước. Vào quý IV năm 2006, khối lượng giao dịch của DFM đứng ở mức khoảng 400 tỷ cổ phiếu, tổng trị giá 95 tỷ USD. DFM có lượng vốn hóa thị trường vào khoảng 87 tỷ USD.[55]
Năm 2007, một cuộc khảo sát của City Mayors đánh giá Dubai đứng thứ 44 trong số những thành phố tài chính tốt nhất thế giới,[72] trong khi một báo cáo khác của City Mayors vào năm 2009 cho thấy Dubai đứng thứ 33 trong số các thành phố giàu nhất thế giới về sức mua tương đương (PPP).[73] Dubai cũng là một trung tâm tài chính quốc tế và đã được xếp hạng 37 trong tốp 50 thành phố tài chính trên thế giới theo khảo sát trong danh mục thương mại năm 2007 của trung tâm Mastercard toàn cầu,[74] và là trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực Trung Đông.
Trong năm 2008 và 2009, thị trường bất động sản của Dubai đã trải qua một cuộc suy thoái lớn, được xem như kết quả của tình hình kinh tế suy thoái.[12] Tháng 12 năm 2008, Mohammed al-Abbar, giám đốc điều hành của công ty Emaar tuyên bố với báo chí quốc tế rằng Emaar sở hữu khoản tín dụng của 70 tỷ USD] và chính quyền Dubai bổ sung 10 tỷ USD trong khi đang nắm giữ ước tính khoảng 350 tỷ USD giá trị bất động sản. Đến đầu năm 2009, tình hình đã trở nên tồi tệ do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giảm đi phần lớn giá trị tài sản, việc xây dựng và việc làm.[75] Các khoản nợ nước ngoài của Dubai vào tháng 2 năm 2009 ước tính khoảng 80 tỷ USD, mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ trong những khoản nợ có chủ quyền ở khắp thế giới.[76]
Ngày 14 tháng 12 năm 2009, Abu Dhabi, tiểu vương quốc giàu dầu mỏ nhất trong UAE, cung cấp cho Dubai vay 10 tỷ USD.[77][78] Mặc dù vậy, thái độ của Abu Dhabi đối với vấn đề nợ của Dubai hiện đã rõ ràng. Ngày 29 tháng 11 năm 2009, các nhà chức trách Abu Dhabi đã khẳng định, họ sẽ không giúp Dubai trả hết nợ, mà sẽ chỉ lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp của Dubai trong trường hợp cần thiết.[79] Vấn đề lịch sử cũng được xem là có vai trò không nhỏ trong thái độ của Abu Dhabi trong cuộc khủng hoảng nợ này. Tuy ngân hàng trung ương UAE có hỗ trợ vốn cho Dubai nhưng khả năng vỡ nợ cấp quốc gia của Dubai hiện đang là rất lớn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ của Dubai cũng ảnh hưởng tới hàng ngàn công nhân người nước ngoài đang làm việc ở đây, chủ yếu hơn 90% từ các nước Nam Á.[cần dẫn nguồn]
Phố buôn bán Dubai Mall là một trong những khu phố buôn bán lớn nhất thế giới.
Du lịch là một phần quan trọng trong chiến lược của chính phủ Dubai để duy trì dòng chảy ngoại tệ vào tiểu vương quốc này. Dubai thu hút khách du lịch dựa chủ yếu vào mua sắm, tuy nhiên cũng nhờ vào việc sở hữu các điểm tham quan cổ xưa và hiện đại. Tính đến năm 2007, Dubai là thành phố thu hút lượng khách du lịch đứng thứ 8 trên thế giới.[80] Dubai dự kiến sẽ chứa hơn 15 triệu khách du lịch vào năm 2015.[81] Dubai là tiểu vương quốc đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc của UAE. Khác với các thành viên khác của UAE, phần lớn doanh thu của Dubai là từ du lịch.[82] Vì gần như không có dầu lửa, niềm hy vọng duy nhất của Dubai để tạo vị thế bên cạnh tiểu vương quốc Abu Dhabi giàu có là phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực như du lịch cao cấp và bất động sản. Dubai cũng đã gặt hái được không ít thành công với chiến lược này. Tới năm 2008, 95% GDP của Dubai là do du lịch và bất động sản đóng góp.
Dubai được gọi là "thành phố mua sắm của Trung Đông".[83] Dubai có hơn 70 trung tâm mua sắm, bao gồm Dubai Mall, trung tâm thương mại lớn thứ 7 trên thế giới. Thành phố này thu hút số lượng lớn khách du lịch mua sắm từ các nước trong khu vực và từ xa như Đông Âu, châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ. Trong khi các cửa hàng lưu niệm, điểm bán đồ điện tử, cửa hàng mua sắm và siêu thị hoạt động trên cơ sở giá cố định, hầu hết các cửa hàng khác xem việc mặc cả thân thiện như một phần vốn có của cuộc sống.[84]
Dubai còn nổi tiếng với các khu chợ nằm ở hai bên bờ con lạch Dubai Creek. Theo truyền thống, các thuyền buôn từ vùng Viễn Đông, Trung Quốc, Sri Lanka, và Ấn Độ sẽ dỡ hàng hóa của họ xuống đây và chúng sẽ được mặc cả ở các chợ gần với bến tàu.[85] Nhiều cửa hàng lưu niệm và đồ trang sức cũng được tìm thấy trong thành phố. Dubai được biết đến như "thành phố Vàng" và chợ Vàng ở khu Deira có gần 250 cửa hàng vàng bán lẻ.[86] Khu miễn thuế ở sân bay quốc tế Dubai cung cấp hàng hóa phục vụ cho hành khách đa quốc gia sử dụng các chuyến bay ở đây.
Tháp Burj Khalifa ở Dubai hiện đang là tòa nhà cao nhất thế giới với độ cao 828 m.
Dubai là nơi tập hợp phong phú của các tòa nhà cao tầng và các công trình kiến trúc với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Do sự bùng nổ về kiến trúc xây dựng và đổi mới trong thế giới Ả Rập nói chung, và đặc biệt ở Dubai, nhiều cách thể hiện cách tân của kiến trúc Hồi giáo có thể được tìm thấy tại Dubai. Các công trình này được hỗ trợ bởi các công ty thiết kế kiến trúc và kỹ thuật hàng đầu ở New York và Chicago.[87] Do kết quả của sự bùng nổ này, trong thập kỷ qua, kiến trúc Hồi giáo và thế giới hiện đại thực sự được đưa đến tầm cao mới trong công nghệ và thiết kế xây dựng những cao ốc chọc trời, mà đỉnh cao vào năm 2010 với việc hoàn thành tòa tháp Burj Khalifa, hiện đang là tòa nhà cao nhất thế giới với độ cao 828 m. Thiết kế của tháp Burj Khalifa có nguồn gốc từ các hệ thống khuôn mẫu được thể hiện trong kiến trúc Hồi giáo, với kết cấu móng nền chạc ba (hình chữ Y) xây dựng dựa trên hình dáng giản lược của hoa hymenocallis - một loài hoa sa mạc 3 cánh, có nguồn gốc ở khu vực Dubai.[88] Sau sự bùng nổ xây dựng đã bắt đầu vào những năm 1980, được đẩy mạnh vào những năm 1990, và trong thập kỷ đầu của thế kỷ 20, việc hoàn thành tháp Khalifa đã tạo một bước tiến nhanh chóng trong việc xây dựng kiến trúc không song song trong lịch sử loài người hiện đại, đã để tên tuổi Dubai gắn liền với tên gọi đường chân trời cao nhất thế giới vào ngày 4 tháng 1 năm 2010.
Công viên nước Wild Wadi.
Dubai có một lượng lớn công viên và những khu vườn nhỏ. Ngoài ra, Dubai còn có một số công viên lớn, khu vui chơi và những ngôi làng di sản. Kế hoạch chiến lược 2007-2011 của Khu tự quản Dubai nhằm mục tiêu tăng diện tích cây xanh trên đầu người lên 23,4 m² và đất canh tác ở khu vực thành thị tăng 3,15% vào năm 2011.[91] Thành phố này đã bắt đầu một dự án cây xanh sẽ được hoàn thành trong bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn trồng 10.000 cây.[92] Những công viên nổi tiếng gồm:
Hiện nay, rác thải của con người được thu thập hàng ngày từ hàng ngàn các thùng rác trong thành phố và được chở bằng xe rác đến nhà máy xử lý nước thải duy nhất của thành phố tại Al Awir. Sự phát triển nhanh chóng của Dubai đồng nghĩa với việc thành phố này đang phải mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải vốn dĩ có giới hạn lên một giới hạn lớn hơn. Do việc xếp hàng chờ đợi và chậm trễ lâu dài, một số tài xế xe rác ở các khu nghỉ mát đã dùng cách đổ trái phép nước thải vào cống rãnh hoặc sau những cồn cát trong sa mạc. Nước thải đổ xuống cống bão chảy thẳng vào Vịnh Ba Tư, gần bãi biển bơi chính của thành phố. Các bác sĩ đã cảnh báo rằng những du khách tắm biển có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như thương hàn và viêm gan.[93] Khu tự quản Dubai cam kết bắt thủ phạm và đã áp đặt tiền phạt lên đến 25.000 USD đồng thời đe dọa tịch thu các xe rác nếu tiếp diễn sự việc này. Thành phố này cho rằng kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu nước thử vẫn "nằm trong tiêu chuẩn cho phép".[94]
Xe bus tại Dubai Marina
Tuyến Đỏ trong hệ thống tàu điện ngầm ở Dubai. Hệ thống này là mạng lưới xe điện đô thị đầu tiên ở bán đảo Ả Rập.[95]
Abras là phương tiện di chuyển truyền thống giữa Deira và Bur Dubai.
Giao thông vận tải ở Dubai được điều khiển bởi Bộ giao thông vận tải. Mạng lưới giao thông công cộng phải đối mặt với vấn đề ùn tắc nghiêm trọng và vấn đề uy tín khổng lồ mà một kế hoạch đầu tư lớn đang cố gắng để giải quyết, trong đó gồm dự án cải tạo trị giá 70 tỉ AED dự định hoàn thành vào năm 2020, khi dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt quá 3,5 triệu người.[96] Trong năm 2009, theo số liệu thống kê của Khu tự quản Dubai, ước tính có khoảng 1.021.880 xe hơi tại Dubai.[97] Tháng 1 năm 2010, số cư dân của Dubai sử dụng giao thông công cộng đứng ở mức 6%.[98] Mặc dù chính phủ đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đường bộ của Dubai, nhưng vẫn không theo kịp với sự gia tăng không ngừng của các phương tiện giao thông. Điều này, cùng với các hiện tượng giao thông gây ra, đã dẫn đến các vấn đề ngày càng gia tăng do tình trạng ùn tắc giao thông.[99]
Có năm tuyến đường chính - E 101 (đại lộ Sheikh Zayed), E 311 (đại lộ Emirates), E 44 (cao tốc Hatta-Dubai), E 77 (đại lộ Al Habab-Dubai) và E 66 (đại lộ Oud Metha) - chạy qua Dubai, kết nối thành phố với các đô thị và các tiểu vương quốc khác. Ngoài ra, còn một số tuyến đường nội bộ quan trọng trong thành phố chẳng hạn như D 89 (đại lộ Al Maktoum/đại lộ sân bay), D 85 (đại lộ Baniyas), D 75 (đại lộ Sheikh Rashid), D 73 (đại lộ Al Dhiyafa), D 94 (đại lộ Jumeirah) và D 92 (đại lộ Al Khaleej/Al WASL) kết nối những vùng khác nhau trong thành phố. Những khu vực phía Đông và phía Tây của thành phố được liên kết bởi cây cầu Al Maktoum, cầu Al Garhoud, đường hầm Al Shindagha, cầu Business Bay Crossing và cầu Nổi.[100]
Hệ thống vận tải bằng xe buýt công cộng ở Dubai được điều hành bởi Cục giao thông vận tải đường bộ (RTA). Hệ thống xe buýt gồm 140 tuyến đường và vận chuyển hơn 109,5 triệu hành khách trong năm 2008. Đến cuối năm 2010, ước tính sẽ có 2.100 xe buýt phục vụ trong thành phố.[101] Bộ giao thông vận tải đã tuyên bố việc lắp đặt 500 máy lạnh tại các trạm chờ xe bus được thiết kế che chắn kín, và có kế hoạch cho hơn 1.000 trạm như thế ở các tiểu vương quốc khác, như một biện pháp khuyến khích sử dụng xe buýt công cộng.[102]
Dubai cũng có một hệ thống taxi rộng lớn, đến nay vẫn là phương tiện giao thông công cộng thông dụng nhất ở UAE.[103] Có các công ty taxi do tư nhân làm chủ, cũng có các công ty taxi do chính phủ điều hành. Có hơn 3000 xe taxi hoạt động ở Dubai. Những xe taxi ở Dubai chạy trung bình 192.000 chuyến mỗi ngày, chuyên chở khoảng 385.000 hành khách. Trong năm 2009, số chuyến taxi đã vượt quá 70 triệu chuyến, phục vụ khoảng 140,45 triệu hành khách.
Sân bay quốc tế Dubai (mã sân bay IATA: DXB), là trung tâm của hãng hàng không UAE, phục vụ thành phố Dubai và các tiểu vương quốc khác trong UAE. Sân bay quốc tế Dubai là sân bay đ
Tiếp tục xem: Thông tin về Dubai phần 2